Lịch sử hình thành và phát triển

  • 21/03/2020

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH MỎ THAN NÚI HỒNG

Vùng Mỏ than Núi Hồng đã có lịch sử phát triển từ đầu thế kỷ XX. Năm 1920 người Pháp tiến hành lập bản đồ địa chất và thăm dò tài nguyên than tại vùng Thấu kính III. Sau đó từ năm1959 đến năm 1963, Tổng cục địa chất đã thăm dò để đánh giá trữ lượng than.Đến năm 1966, vùng than Quảng Ninh bị máy bay Mỹ ném bom, đánh phá ác liệt, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nên Tổng Công ty Mỏ đã điều động một lực lượng lao động và thiết bị lên khai thác than tại mỏ than Núi Hồng. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn trong quá trình khai thác nên đến năm 1969 mỏ than tạm thời đóng cửa. Đến năm 1977, tại công văn số1856/VP2 ngày 17/5/1977 của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Điện Than trở lại khai thác than tại Mỏ Than Núi Hồng. Đến năm 1978, Mỏ than Bắc Thái đã mở công trường khai thác than tại Núi Hồng theo thiết kế kỹ thuật và luận chứng kinh tế của Viện quy hoạch và thiết kế than, với công suất ban đầu là 10.000 tấn/năm. Ngày 01/8/1980 Mỏ than Núi Hồng (nay là Công ty Than Núi Hồng) chính thức được thành lập theo quyết định số 49/ĐT-TCCB ngày 20/7/1980 của Bộ trưởng Bộ Điện Than.

Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử xây dựng và phát triển của Công ty than Núi Hồng có thể khái quát thành 04 giai đoạn sau:

1. Giai đoạn I (từ năm 1980 đến năm 1990)

Đây là giai đoạn Mỏ Than Núi Hồng mới thành lập và đi vào hoạt động. Cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật ban đầu còn rất thô sơ, quy mô khai thác nhỏ với công nghệ thủ công bán cơ giới. Lực lượng lao động có 370 người (Trong đó có 7 người có trình độ đại học, 29 người có trình độ trung cấp), đội ngũ đảng viên gồm 22 đồng chí sinh hoạt ở 4 chi bộ.

Ngày 24/6/1981, Hiệp định kinh tế Việt – Xô được ký kết, nhà nước Liên Xô đã tiến hành lập thiết kế khai thác và trang bị máy móc thiết bị để đầu tư khai thác mở rộng mỏ than Núi Hồng theo quy mô cơ giới hóa với công suất khai thác than qua từng thời kỳ từ 100.000 tấn/năm đến 300.000 tấn/năm và tiến tới đến 400.000 tấn/năm. Đội ngũ cán bộ công nhân Mỏ than Núi Hồng đã nhanh chóng ổn định sản xuất và bước vào thực hiện nhiệm vụ cải tạo mở rộng Mỏ.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của ngày đầu thành lập nhưng Mỏ than Núi Hồng đã luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ năng lượng, Công ty than III, địa phương và đặc biệt là sự giúp đỡ của chính phủ Liên Xô về trang thiết bị, máy móc và cử chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn về công nghệ, thiết bị, vận hành… Vì vậy khó khăn của thời kỳ đầu mới thành lập đã được Mỏ than Núi Hồng dần khắc phục và vượt qua.

Trong 10 năm (từ năm 1980 đến năm 1990), đơn vị đã sản xuất được: 999,3 nghìn tấn than nguyên khai; Bóc 1,79 triệu m3 đất đá; Tiêu thụ 912,8 nghìn tấn than. Tổng doanh thu đạt 5,39 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước 151,39 triệu đồng; Đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân 25,8 nghìn đồng/người/tháng. Với thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1980 – 1990, cán bộ, công nhân viên Mỏ than Núi Hồng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba

2. Giai đoạn II (từ năm 1991 đến năm 2000)

Đây được coi là giai đoạn quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của Mỏ than Núi Hồng.

Mỏ than Núi Hồng đã được Công ty than Nội Địa (nay là Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP) đầu tư cải tạo và xây dựng, mở rộng diện khai thác Mỏ tại khu II, III, IV, V Thấu kính II, theo đó Mỏ đã được đầu tư mua sắm mới các trang thiết bị máy móc, xe ô tô, máy xúc, máy gạt; xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp khu Văn phòng và nhà điều hành sản xuất của các phân xưởng; đào tạo nâng cao tay nghề của đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ công nhân kỹ thuật nhưng đây cũng là thời điểm Mỏ than Núi Hồng đối mặt với nhiều khó khăn thử thách: Lực lượng lao động đông (từ 370 lao động những năm đầu mới thành lập lên đến 998 lao động trong những năm giữa của thập kỷ 90), công nhân thiếu việc làm, đời sống của người thợ mỏ gặp nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó nạn khai thác than trái phép diễn ra nghiêm trọng trong những năm 1998 đến năm 2000.

Đứng trước tình hình đó, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Mỏ than Núi Hồng đã tập trung chỉ đạo, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn với quyết tâm đảm bảo ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.

Để đảm bảo ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người lao động, năm 1999 lãnh đạo Mỏ than Núi Hồng đã tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Công ty than Nội Địa, chủ động đưa 01 dây chuyền thiết bị và gần 100 công nhân kỹ thuật lên tham gia bóc đất tại Xí nghiệp than Na Dương – Lạng Sơn (nay là Công ty than Na Dương). Cũng trong thời gian này, Mỏ than Núi Hồng đã tiếp nhận trên 20 lao động cùng toàn bộ mặt bằng nhà xưởng của đội gạch Bắc Hải thuộc Xí nghiệp Xây lắp Bắc Thái đã bị giải thể để tiếp tục duy trì sản xuất vật liệu xây dựng, ổn định đời sống cho số lao động này đồng thời đã tổ chức sản xuất chế biến than tổ ong, than ép tại Trạm than Quan Triều B để đáp ứng cho nhu cầu dân sinh tại địa phương nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Mỏ than Núi Hồng luôn giữ mối quan hệ mật thiết và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương để quản lý tốt tài nguyên than được Nhà nước giao, đồng thời luôn phát huy được sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên, nhiều giải pháp hợp lý hoá sản xuất và sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người lao động được áp dụng và đưa vào phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực góp phần tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh việc khai thác than thì công tác tiêu thụ sản phẩm luôn được ban lãnh đạo Mỏ Than Núi Hồng chú trọng thực hiện nhằm giữ vững các khách hàng truyền thống và tăng cường công tác tiếp thị để mở rộng thị trường tiêu thụ than nhờ đó sản lượng than khai thác và tiêu thụ của mỏ đã tăng dần qua từng năm.

Đầu năm 1992, Mỏ than Núi Hồng đã tiếp nhận và đưa tuyến đường sắt Núi Hồng – Quan Triều có chiều dài trên 35km vào phục vụ sản xuất qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao sản lượng than tiêu thụ

Trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2000, Mỏ than Núi Hồng luôn giữ vững được nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo tất cả người lao động trong đơn vị đều có việc làm và có thu nhập ổn định, tạo tiền đề vững chắc để phát triển trong những năm tiếp theo. Trong 10 năm (từ năm 1991 đến năm 2000), Mỏ than Núi Hồng đã khai thác được trên 2 triệu tấn than nguyên khai, bóc trên 2,9 triệu m3 đất đá, tiêu thụ 1,9 triệu tấn than, tổng doanh thu đạt 222,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 632.000 đồng/người/tháng.

Giai đoạn 1991 – 2000 thật sự là tiền đề để đội ngũ lãnh đạo và cán bộ quản lý Mỏ than Núi Hồng rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu về thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường, tạo đà để tiếp tục phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.

Với thành tích xuất sắc đã đạt được trong lao động sản xuất, cán bộ công nhân viên Mỏ than Núi Hồng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 1995) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2000).

3. Giai đoạn III (từ năm 2001 đến năm 2010)

Trong giai đoạn này Mỏ than Núi Hồng đã được đổi tên 2 lần, cụ thể:

+ Từ năm 2001: Mỏ than Núi Hồng đổi tên thành Xí nghiệp than Núi Hồng (theo Quyết định số 430/QĐ-TCCB ngày 04/10/2001 của Tổng giám đốc Tổng công ty than Việt Nam).

+ Từ năm 2007: Xí nghiệp than Núi Hồng đổi tên thành Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV- than Núi Hồng – VVMI (theo quyết định số 21/QĐ – HĐQT ngày 21/01/2007 của Hội đồng quản trị công ty TNHH MTV Công nghiệp mỏ Việt Bắc – TKV).

Trên cơ sở những thành công và bài học kinh nghiệm đã có, Xí nghiệp than Núi Hồng thực sự đi vào ổn định sản xuất và phát triển với tốc độ nhanh ở giai đoạn này. Cũng như các đơn vị khác trong Công ty than Nội Địa (nay là Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP), Xí nghiệp than Núi Hồng đứng trước nhiều cơ hội phát triển thuận lợi khi Tổng công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) quyết định triển khai đầu tư xây dựng 02 nhà máy nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn) và Cao Ngạn (Thái Nguyên).

Thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm được Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP giao cho, Chi nhánh than Núi Hồng luôn tuân thủ các quy chế quản lý và cơ chế điều hành của cấp trên, bổ sung hoàn chỉnh các quy chế quản lý trong đơn vị,thực hiện tốt công tác kỹ thuật cơ bản,quản lý tốt tài nguyên than trong phạm vi ranh giới mỏ được giao, thực hiện tốt công tác khoán quản trị chi phí và công tác an toàn lao động … nên đã nhiều lần được Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP tặng cờ “ Đơn vị sản xuất kinh doanh khá nhất”

Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Chi nhánh than Núi Hồng luôn chú trọng thực hiện công tác đổi mới chất lượng lao động, từng bước nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân kỹ thuật và làm tốt công tác quy hoạch bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận nên đã đáp ứng tốt nhiệm vụ được cấp trên giao cho. Trình độ của đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật trong thời kỳ này đã từng bước được nâng lên ( trên tổng số gần 1000 lao động đang làm việc tại Chi nhánh than Núi Hồng có trên 550 công nhân kỹ thuật, 81 người có trình độ Đại học, Cao đẳng).

Trong 10 năm (từ năm 2001 đến năm 2010), Chi nhánh than Núi Hồng đã khai thác được trên 3,51 triệu tấn than nguyên khai, bóc trên 9,79 triệu m3 đất đá, tiêu thụ trên 3,3 triệu tấn than, sản xuất và tiêu thụ 72,3 triệu viên gạch, tổng doanh thu đạt 1.721,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn 2001 – 2010 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Chi nhánh trong quá trình xây dựng và phát triển. Vinh dự và tự hào, cán bộ công nhân viên Chi nhánh đã được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc Lập hạng Ba (năm 2005) và Huân chương Độc Lập hạng Nhì (năm 2010)

4. Giai đoạn IV (từ năm 2011 đến nay)

Từ năm 2011: Chi nhánh than Núi Hồng được đổi tên thành Công ty than Núi Hồng – Chi nhánh Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin theo Quyết định số 001/QĐ-CMV ngày 07 tháng 01 năm 2011 của Chủ tịch Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc -Vinacomin.

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty than Núi Hồng đã không ngừng tăng trưởng và lớn mạnh, bên cạnh việc khai thác chế biến, kinh doanh than và nhiều ngành nghề mới đã được Công ty thực hiện thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động.

Trong giai đoạn này, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tình hình khủng hoảng nợ công và lạm phát tăng cao ở nhiều nước đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế ở nước ta. Trong nước, lạm phát ở mức cao; thị trường tài chính giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, của Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP và sự nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, sự cần cù chịu khó, năng động sáng tạo của toàn thể CBCNV, Công ty than Núi Hồng đã phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2011, Công ty than Núi Hồng luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh được Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin giao cho, đã sản xuất và tiêu thụ được trên 2,0 triệu tấn than; Bóc đất đá 3,3 triệu m3, sản xuất và tiêu thụ 2,8 triệu tấn đá vôi; sản xuất và tiêu thụ 30,5 triệu viên gạch chỉ đỏ; Sản xuất và tiêu thụ 35 triệu vỏ bao xi măng; Tổng doanh thu đạt 1 884,9 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước đạt 391 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/người/ tháng.

Song song với việc đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, Công ty than Núi Hồng cũng luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội, tham gia ủng hộ các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa… do địa phương phát động. Cùng với việc đảm bảo việc làm cho người lao động, Công ty cũng luôn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động, theo đó nhiều công trình như nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, nhà ăn tập thể… đã được Công ty quan tâm sửa chữa và đầu tư cải tạo, nâng cấp

Trong giai đoạn này, Công ty đã chú trọng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân. Từ năm 2011-2014, đã có 800 lượt cán bộ, công nhân của Công ty được gửi đi đào tạo chuyên sâu, đào tạo thợ bậc cao và đào tạo bổ sung, chuyển đổi ngành nghề… Vì vậy, CBCNV tại Công ty đã có nhiều sáng kiến cải tiến và giải pháp hợp lý hoá sản xuất. Từ năm 2011-2014, toàn Công ty đã có 92 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và giải pháp hợp lý hóa sản xuất được Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP xét công nhận với giá trị làm lợi trên 760 triệu đồng. Trong giai đoạn này, Hội đồng thi đua khen thưởng của Công ty đã xét công nhận 308 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua 115 tập thể lao động xuất sắc cấp Công ty, nhiều cá nhân và tập thể đã được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Tổng Công ty, Tập đoàn, được tặng bằng khen của Tập đoàn, của Bộ công thương và của Thủ tướng Chính phủ.