Công ty Than Núi Hồng triển khai việc hoàn thổ môi trường sau khai thác

  • 22/11/2011

Khu vực moong 1A, 1B. Khai trường than Núi Hồng sâu hàng chục mét trước đây giờ đã là những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn. Thế mới thấy, Công ty đã triển khai công tác hoàn thổ sau khai thác rất tốt. Niềm vui được nhân đôi bởi trong cái vui của người dân địa phương, có niềm vui của những người thợ mỏ

Là đơn vị khai thác lộ thiên, Than Núi Hồng có những khó khăn riêng về mặt bằng khai thác và đổ thải. Vấn đề đặt ra phải hài hoà được giữa lợi ích doanh nghiệp và cộng động mà ở đây là thể hiện được tinh thần trách nhiệm với nhân dân 2 xã Yên Lãng và Na Mao đã hi sinh đất để Công ty khai thác than, để rồi sau khi khai thác xong được hoàn nguyên trả lại ruộng cho nhân dân tái canh tác.

Từ thực tế đó, lãnh đạo Công ty đã xây dựng chiến lược, những cách làm cụ thể và triển khai từng bước trên tinh thần làm đến đâu gọn đến đấy. Công ty đã nhận con em của địa phương và bố trí vào làm việc tại các dây chuyền chính sản xuất than. Ngoài ra, Công ty có nhiều biện pháp để tạo công ăn việc làm cho lực lượng này như sản xuất gạch, vận tải than bằng đường sắt và quản lí vận hành tuyến băng tải cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn; kinh doanh nhà hàng khách sạn tại Hồ Núi Cốc. Đặc biệt, khi vào mỏ, bất cứ vào dây chuyền nào, công nhân đều được đào tạo nghề với nhiều hình thức. Người trẻ, khỏe, trình độ văn hóa cao, được Công ty chọn cử đi học nghề lái xe, lái máy khoan, máy xúc v.v. Số khác, bố trí vào các nghề đơn giản cũng được đào tạo tại chỗ.

Mặt khác, ngay trong quá trình khai thác, toàn bộ phần đất màu trên bề mặt được xúc để riêng. Khai thác đến đâu, san lấp đến đấy. Sau khi khai thác xong, Than Núi Hồng đã tiến hành nhiều bước, mất nhiều thời gian như đổ lại đất màu, phục hồi cải tạo đất để đảm bảo cho nhân dân tái trồng lúa đạt năng suất cao. Thực tế, đất cải tạo xong đã cấy được 2 vụ lúa/năm với năng suất bình quân vụ đầu đạt 150 kg đến 200 kg thóc/1 sào Bắc bộ đến nay sản lượng đã đạt trên 250 kg thóc/1 sào Bắc bộ.

Theo Giám đốc Công ty Lương Xuân Quang, từ năm 2003, 2004, Than Núi Hồng đã triển khai dự án phục hồi, cải tạo môi trường sau khai thác than. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nên Công ty đã hoàn thổ và phục hồi thành công 12,37 ha diện tích đất canh tác tại moong 1A và bắc thấu kính 2 tại xã Yên Lãng, với khối lượng san lấp trên 232 nghìn m3. Đất cải tạo xong đã được cấy 02 vụ lúa/năm, đạt năng suất cao. Trước đó, từ những năm 2001, Than Núi Hồng đã thực hiện dự án bồi thường khối 3 – Thấu kính 2 với tổng diện tích là 33,46 ha. Mới đây, Công ty thực hiện dự án bồi thường khu 7 – Thấu kính 2 với tổng diện tích 14,04 ha của các hộ dân xã Yên Lãng.

Trên thực tế, với diện tích khá lớn như vậy, việc giải phóng mặt bằng rất phức tạp, phải làm sao để cho dân hiểu và đồng thuận với doanh nghiệp. Do đó, Công ty đã tích cực cử cán bộ nhiều lần đến từng hộ dân trao đổi cụ thể phương án đền bù như thống nhất thời gian, cách thức triển khai san lấp mặt bằng, cải tạo đất, xây dựng kênh mương, tưới tiêu… từ đó có phương án giải quyết đền bù, cũng như hoàn nguyên hợp lý, thuyết phục được chính quyền và nhân dân địa phương.

Như vậy, qua việc đền bù giải phóng mặt bằng đến việc hoàn thổ cải tạo đất cho thấy Than Núi Hồng rất có trách nhiệm với cộng đồng. Với phương châm đơn vị có mặt bằng sản xuất và người dân đảm bảo canh tác sau khi hoàn thổ, nên Công ty luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn, tạo ra những tiền đề, thuận lợi cơ bản để Công ty Than Núi Hồng phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định nhịp độ tăng trưởng và phát triển bền vững.

Song song với sản xuất kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm hàng đầu. Vì thế, nhiều năm trở lại đây, Than Núi Hồng vẫn được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong TCT công nghiệp mỏ Việt Bắc về bảo vệ môi trường.
Nguồn: Vinacomin